-
- Tổng tiền thanh toán:
Số hoá truyền hình: ngổn ngang trăm mối
Hai triệu chiếc tivi bán ra mỗi năm đã có một nửa là tương thích HD (độ nét cao) với tỷ lệ màn hình 16:9. Ảnh: Lê Quang Nhật
Bộ Thông tin và truyền thông liên tục tổ chức các buổi hội thảo về dự án số hoá truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất với những số liệu về mốc thời gian, kinh phí, tiêu chuẩn kỹ thuật ngày càng cụ thể. Hai mươi triệu hộ dân sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc chuyển đổi truyền hình này.
Cách đây gần mười năm, khi đài truyền hình Bình Dương thử nghiệm phát truyền hình số, mọi người đua nhau mua bộ settopbox theo tinh thần cái thiết bị thu phải chạy theo nhà đài. Nhà đài phát cái gì thì người dân cứ đi mua cái chuẩn đó để mà xem, không bàn cãi. Nhà đài lâu lâu đổi chuẩn phát (nâng cấp) thì thiên hạ lại ùn ùn nâng cấp hoặc mua bộ settopbox mới để chạy theo nhà đài.
Sai một li đi một dặm
Nhìn xa hơn, cách đây vài chục năm, nhà đài phát hệ SECAM thì tự khắc người dân mua tivi về rồi “chuyển hệ” để có thêm hệ SECAM. Nghề chuyển hệ đã từng là một nghề rất “hot” hồi thập niên 70, 80 khi tiền thù lao chuyển hệ một chiếc tivi xấp xỉ một chỉ vàng.
Lần này, một cuộc chuyển đổi khổng lồ từ kỹ thuật tương tự qua kỹ thuật số đã được bộ Thông tin và truyền thông chuẩn bị bằng các dự án, hội thảo. Quyền của bên thu xem ra bắt đầu được coi trọng, mọi người đều biết trước nhiều năm nữa nhà đài sẽ phát cái gì và phải sắm cái gì để thu sóng của nhà đài.
Không phải lựa chọn nào cũng đúng ngay từ đầu. Cách đây 20 năm, cuộc chuyển đổi từ hệ màu SECAM sang hệ màu PAL đã để lại không ít tốn kém. Các nhà sản xuất tivi Nhật, Hàn Quốc thời bấy giờ cứ thắc mắc tại sao một nước nghèo như Việt Nam mà người tiêu dùng cứ đòi mua cho được chiếc tivi đa hệ giá thành cao hơn nhiều so với tivi duy nhất một hệ như ở Mỹ, Nhật. Người tiêu dùng thời đó bấm bụng mua tivi đa hệ để nhà đài phát cái gì cũng thu được, họ phải thích nghi với sự thay đổi của nhà đài. Chẳng ai tính toán xã hội đã thiệt hại bao nhiêu cho việc này.
Lần này, khi hai triệu chiếc tivi bán ra mỗi năm đã có một nửa là tương thích HD (độ nét cao) với tỷ lệ màn hình 16:9 thì chúng ta cũng đang bàn đến việc số hoá truyền dẫn. Liệu hàng chục triệu bộ settopbox trong chuẩn số hoá mà dự án đề cập mai mốt sẽ được nâng cấp lên HD như thế nào, hay lại phải bỏ đi mà mua bộ settopbox HD. Và số phận của hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn bộ settopbox chuẩn giải mã MPEG-2 đang sử dụng hiện nay sẽ đi về đâu nay mai?
Ngổn ngang settopbox, một dự báo không vui
Người tiêu dùng muốn thu được nhiều kênh truyền hình, trước hết phải có bộ settopbox hợp chuẩn để thu sóng truyền hình số mặt đất DVB-T. Tuy nhiên, họ không thể bỏ qua chương trình hấp dẫn từ các kênh vệ tinh, nghĩa là họ phải sắm thêm một bộ settopbox DVB-S để thu sóng vệ tinh. Chưa hết, hơn một triệu thuê bao truyền hình cáp chắc chắn sẽ số hoá và settopbox DVB-C sẽ phải xuất hiện trong các hộ gia đình đô thị.
Cũng chưa hết, truyền hình muốn chương trình hay thì phải trả tiền, vậy là có thêm loại settobox có thẻ Smart Card.
Trên kệ tivi sẽ xuất hiện một chồng settobox nhưng cũng chưa hết, các nhà đài vệ tinh thường không chịu chơi chung với nhau, nên rất có thể settopbox của nhà đài này thì không thu sóng của nhà đài khác. Hơn nữa, các nhà đài đều thích thú việc sản xuất và cung ứng settopbox riêng cho mình. Mỗi nhà đài lại mua bản quyền độc quyền một số chương trình khác nhau (như kênh K+ ồn ào dư luận vừa qua) nên việc dân mê truyền hình bắt buộc sưu tập bất đắc dĩ các bộ settopbox là điều khó tránh khỏi. Chỉ khổ là số lượng ngõ vào tivi rất giới hạn, chỗ đâu mà cắm quá nhiều settobox vào?
Cuối cùng, không chỉ có một chảo thu vệ tinh, bởi trong khi VTV trung thành với vệ tinh Vinasat-1 thì VTC tung hoành trên Asiasat-5, còn AVG với mong muốn độc quyền giải V-League 20 năm lại phát vệ tinh NSS-6 của SES. Mỗi hộ xem truyền hình rất có khả năng phải có ba chảo thu sóng vệ tinh.
Chúng ta ủng hộ kinh tế thị trường cùng sự cạnh tranh và nhiều cơ hội cho người dân khi mua dịch vụ. Tuy nhiên, lĩnh vực truyền hình có những đặc thù riêng mà liều lượng can thiệp từ quản lý nhà nước sẽ tiết kiệm rất nhiều cho xã hội, nếu như dự báo tốt về tương lai sau khi số hoá.
Lê Văn Chính (cố vấn kỹ thuật Soncamedia)
Kỳ tới: Đã đến lúc cần có chuẩn