Khai thác sự rung cảm nơi người tiêu dùng

Trước hết, thương hiệu mới Soncamedia không phải là một công ty hoạt động đơn thuần trong lĩnh vực quảng cáo hay quan hệ cộng đồng (PR) như cái tên của nó. Theo ông giám đốc Nguyễn Dương Thanh Hoàng, dĩ nhiên, đây là những lĩnh vực mà Soncamedia đang nhắm tới, nhưng bước khởi động của doanh nghiệp còn mới mẻ này là sản xuất, kinh doanh các sản phẩm điện tử kỹ thuật cao (hi-tech) như ti vi LCD, đầu DVD độ nét cao 1080i, các thiết bị nghe nhìn đa phương tiện. Đây là lĩnh vực mà nhóm kỹ sư sáng lập Soncamedia đã có nhiều kinh nghiệm làm việc cho các doanh nghiệp điện tử trong và ngoài nước.

Ông Hoàng tiết lộ một số thành viên trong hội đồng cố vấn kinh doanh của công ty cũng chính là những người đã từng đề ra chiến lược khuếch trương thương hiệu cho Vitek VTB trước đây. Và con đường sử dụng, tôn vinh các tác phẩm văn hóa nghệ thuật của Việt Nam trong hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn đang được những người này tiếp tục duy trì bằng những bước đi mới. Thoạt nghe việc Soncamedia ký hợp đồng với nhạc sĩ Phạm Duy để được quyền sử dụng mười nốt nhạc của câu hát “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời” (ca khúc “Tình ca”), người ta thấy nó rất giống với sự kiện chuyển nhượng bản quyền bài thơ “Màu tím hoa sim” hồi cuối năm ngoái đã làm nổi đình nổi đám thương hiệu sản phẩm điện tử Vitek, từ cách làm với cùng số tiền 100 triệu đồng cho đến sự nổi tiếng của tác giả, tác phẩm được mua. Tuy nhiên, ông Hoàng cho biết, trong ý đồ của những người thực hiện, sự kiện lần này có điểm khác biệt cơ bản so với sự kiện trước.

Ông phân tích, nếu như việc mua bản quyền bài thơ “Màu tím hoa sim” là một chiến lược PR bài bản và rõ nét thì mười nốt nhạc lần này là một yếu tố cấu thành sản phẩm, không thể thiếu, bởi mỗi sản phẩm điện tử hiện nay đều phải có câu nhạc hiệu chào mừng của nhà sản xuất khi khởi động. Như vậy, nếu 100 triệu đồng dành cho bài thơ “Màu tím hoa sim” được xem là chi phí quảng cáo, tiếp thị thì khoản chi phí cho câu nhạc “Tình ca” nằm trong chi phí sản xuất sản phẩm. Vấn đề ở đây, theo Soncamedia, là công ty đã chọn được câu nhạc có sức sống bền bỉ nhờ độ rung cảm mãnh liệt, có ý nghĩa và gần gũi với người tiêu dùng Việt Nam. “Chúng tôi đã rất vất vả để chọn ra trong số nhiều câu nhạc (có cả nhạc tiền chiến, hùng ca lẫn pop-rock) một câu nhạc trữ tình có giai điệu ngũ cung thuần Việt để làm nên nét đặc trưng cho các sản phẩm thương hiệu Soncamedia”. Theo ông Hoàng, đánh giá cao về khả năng tạo được ấn tượng tốt đẹp cho thương hiệu trong lòng người tiêu dùng, Soncamedia cho rằng chi phí 100 triệu đồng cho quyền sử dụng trong 20 năm với hàng triệu sản phẩm sẽ được tung ra không phải là… quá “sang” như nhiều người nghĩ.

Ông Hoàng cho biết việc ký kết hợp đồng giữa công ty với nhạc sĩ Phạm Duy đã diễn ra từ đầu tháng 11, một cách lặng lẽ và mang tính nội bộ. Chỉ khi dòng sản phẩm DVD đầu tiên của công ty được tung ra thị trường hồi tháng trước, hợp đồng này mới được biết đến. Nhưng cho dù sự việc không nhằm mục tiêu chính là quảng cáo, Soncamedia cũng thừa nhận đã tiên liệu về hiệu quả PR thương hiệu sẽ đến kèm theo, dựa vào kinh nghiệm “gặt hái” hàng trăm tin bài trên các phương tiện truyền thông về sự kiện “Màu tím hoa sim” hồi năm ngoái. “Có thể lượng thông tin lần này không được rầm rộ nhưng chúng tôi tin vẫn gây được sự chú ý nhất định của dự luận như là một tín hiệu vui báo trước”, ông Hoàng nói.
Thanh Phương – Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
Niềm tin lãng mạn ?

Phát triển kinh doanh dựa vào văn hóa không là điều mới, nhưng đối với Soncamedia, mười nốt nhạc lần này có vẻ như đang đóng vai trò to lớn hơn nhiều, nó không chỉ là bài học về hiệu quả kinh doanh có được do “ăn theo” sự nổi tiếng mà bản thân câu nhạc được những người đứng đầu công ty đánh giá là có khả năng đánh thức nhu cầu được cống hiến, được trao tặng, đưa hy sinh trong mỗi con người. Nhu cầu này, theo ông Hoàng, cũng mãnh liệt và… đầy khoái cảm như khi được nhận ! Nhu yếu “cho” mang lại một năng lượng tương đượng với nhu yếu ‘nhận”.

Ông tâm sự : “Sinh sau đẻ muộn” trong thương trường đang cạnh tranh khốc liệt với bao nhiêu là thương hiệu điện tử lớn, Soncamedia cần có “nguồn năng lượng” để kích thích sức cống hiến của mỗi thành viên trong công ty. Họ là những người đã từng làm cho nhiều công ty nước ngoài nhưng trong lòng họ vẫn khao khát về một sản phẩm điện tử hi-tech Việt Nam. Ông nói : “Trong quá trình chọn lựa câu nhạc chào mừng cho sản phẩm, nhiều người trong chúng tôi đều nhận ra câu nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy có độ rung cảm mãnh liệt. Nó gây niềm xúc động, thôi thúc mỗi người, tạo khối đồng cảm để cùng chia sẻ và động viên nhau”. Quả thực, tâm sự này có thể bắt gặp ngay khi lần đầu ghé thăm văn phòng công ty Soncamedia. Một tấm bảng lớn chắn gần hết chiều ngang cửa ra vào với duy nhất một dòng chữ : “Tôi yêu tiếng nước tôi… từ khi mới ra đời”. Hình ảnh này như một biểu hiện văn hóa công ty : niềm tin của mọi thành viên vào mục tiêu chung – những sản phẩm hi-tech Việt Nam.

Chưa hết, những con người Soncamedia còn tin rằng tất cả những điều họ cảm nhận được từ câu nhạc này cũng đang tiềm ẩn trong lòng người tiêu dùng. Ông Hoàng cho rằng nếu như nhiều người đã từng hô hào “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” thì Soncamedia kêu gọi thị trường bằng cách dùng âm nhạc để đánh thức nhu yếu yêu thương trong mỗi con người. (Đương nhiên, Soncamedia hiểu rằng khía cạnh văn hóa kinh doanh không thể thay thế cho chất lượng sản phẩm tồi). Nhưng điều đặc biệt hơn cả chính là niềm tin lớn lao của Soncamedia vào khả năng gây xúc cảm của câu nhạc đối với giới trẻ hôm nay bất chấp ca khúc ra đời cách nay hơn nửa thế kỷ và gần như bặt tăm trên các phương tiện nghe nhìn trong ba mươi năm qua. Theo ông Hoàng, kết quả khảo sát của Soncamedia cho thấy 90% giới trẻ độ tuổi 20-30, đối tượng chính của hàng hi-tech chưa hề biết câu nhạc này, nhưng lại có đến 100% người tuổi từ 40-60 cho biết câu nhạc thực sự gây xúc động đối với họ. Bằng kinh nghiệm từ những người trẻ tuổi trong công ty, Soncamedia tin rằng giới trẻ cũng sẽ yêu mến và xúc cảm đối với câu nhạc một khi đã nghe và biết đến bài hát. Soncamedia cũng cho rằng sự trở lại của các tình khúc Phạm Duy trong thị trường âm nhạc đang là điều kiện thuận lợi để ca khúc này đến gần với giới trẻ hôm nay. Ông Hoàng chia sẻ tư duy của Soncamedia trong vấn đề này như sau : “Tự trong mỗi con người đều có sẵn những hạt giống yêu thương, rung động và hướng về cội nguồn dân tộc. Vấn đề là tài hoa khơi gợi được những tình cảm tiềm ẩn này. Chúng tôi nghĩ giai điệu tình tự quê hương nồng nàn, tha thiết như câu nhạc “Tình ca” có khả năng làm điều đó. Chẳng qua nó đang bị khuất lấp dưới những cuộc vui ồn ào, thời trang hip-hop của phong cách sống thời đại đó thôi”.

Tư duy văn hóa – kinh doanh của Soncamedia đem lại hiệu quả như thế nào cho công ty sẽ được tương lai trả lời. Điều ghi nhận ở đây là sự lãng mạn, lòng yêu mến các tác phẩm văn hóa nghệ thuật và niềm tin vào những điều tốt đẹp nơi con người đã được Soncamedia đưa vào trong hoài bão kinh doanh một cách đáng trân trọng. “Đây cũng là bước thử nghiệm của Soncamedia trong định hướng sử dụng văn hóa nghệ thuật tác động vào chiều sâu tình cảm con người để khơi dây thị trường tiêu thụ”, ông Hoàng cho biết.

 

Bạn đang xem: Khai thác sự rung cảm nơi người tiêu dùng
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

popup

Số lượng:

Tổng tiền: