-
- Tổng tiền thanh toán:
“Bữa tiệc” truyện ngắn miền Trung
Một ngày cuối tháng 5, dưới sự tài trợ của Công ty Sơn Ca – NXB Trẻ đã ra mắt Buffet truyện ngắn miền Trung (cùng với Thơ tình Xứ Huế) tại Trung tâm dịch vụ Festival (11 Lê Lợi, Huế). Ngoài những người tổ chức bản thảo: Nguyễn Đông Thức, Đoàn Thạch Biền… khá nhiều nhà văn đã tham dự ra mắt “bữa tiệc”. Xa nhất, từ chân núi Tà Cú (Bình Thuận), Nguyễn Hiệp – người từng đoạt giải nhì truyện ngắn báo Văn Nghệ đã góp một Bông cỏ giêng tựa vào những cảm nhận mang hơi thở nhà Phật qua hình tượng bông cỏ giêng đầy trăn trở về thân phận con người. Người đoạt giải nhất báo Văn nghệ năm 2004, “ông nông dân bỏ cày” Ngô Phan Lưu góp một Việc trên đường theo cái tạng của ông, những suy ngẫm về cuộc sống, về nhân tình thế thái… từ chính cuộc sống đa dạng và nhiều màu sắc. Truyện thú vị, đọc không khỏi mỉm cười, cho nên ông khá tự tin khi tự bạch: “Chưa viết đã thấy hay. Đang viết cũng thấy hay. Viết rồi cũng thấy hay. Đọc lại cũng thấy hay” (tr 98) (đúng là phong cách của “người mang ba họ”!). Nguyễn Mỹ Nữ, giải thưởng truyện ngắn báo Văn Nghệ, (1988-2000), giải thưởng truyện ngắn tạp chí Văn nghệ quân đội (2001-2002), góp cổ phần bằng Tiếng hát liêu điêu từ một giọng hát mỏng manh đến lạ kỳ để định dạng một mảnh đời đầy ám ảnh và không kém mong manh. Có thể nhận ra một Lê Hoài Lương – giải ba và giải nhì truyện ngắn tạp chí Văn nghệ quân đội, giải ba truyện ngắn báo Văn nghệ qua Tiếng chuông chiều, một cách cảm nhận đầy nhân bản về những con người đã từng đối đầu nhau trong chiến tranh. Anh nói về truyện ngắn của mình: “Muốn góp một cái nhìn nhân bản hơn, hòa hợp hơn, nói trắng ra là sòng phẳng hơn về những người lính ở hai chiến tuyến. Tôi thấy chướng và không có sức thuyết phục những hình tượng văn học, kiểu ta thì gì cũng tốt, địch đương nhiên là xấu, rất xấu rất ác” (tr 91). Trần Thùy Mai – giải thưởng Hội Nhà văn 2002, góp Người bán linh hồn từ cảm nhận của mình về con người làm nghệ thuật trước những đòi hỏi, cám dỗ… của cuộc sống đầy bất trắc. Ở Lê Trâm, là những ám ảnh suốt một đời người lặp đi lặp lại không dứt trong Truyện đốt theo sông. Phạm Hữu Hoàng mượn chuyện xưa để nói chuyện nay (Vương pháp). Huỳnh Thạch Thảo viết về những người đánh cá ngừ đại dương (Vệt sáng nơi chân sóng). Khuê Việt Trường và Ái Duy cùng viết về đồng bạc nhưng mỗi người cảm nhận mỗi khác (Hai đồng bạc lộc và Vòng vèo thật giả), còn Hoàng Nhật Tuyên nhớ lại một nơi “sông kia rày đã nên đồng” (Ký ức). Trương Anh Quốc viết về con người xứ Quảng đầy cá tính (Nụ cười bí ẩn). Đinh Lê Vũ và Ngô Thị Thục Trang góp những truyện về tình yêu thật đằm thắm (Đá cũng cần có nhau và Trái tim đàn bà). Khánh Liên viết về Người tình Phan Rang (tên truyện ngắn) với một chút ma quái. Ở Nguyễn Bội Nhiên là Dòng sông bên thành cổ đan cài chuyện cũ chuyện mới. Việt Hùng ám ảnh bởi Số phận những cô gái trong tranh, Bạch Lê Quang không thôi ám ảnh về mùa lũ dữ dội ở quê hương (Lũ ơi), Nguyên Quân khắc họa đậm nét người nghệ sĩ hát rong trên đường phố (Hoạt phố). Nguyễn Anh Tuấn vẽ nên cảnh tượng một ông già bán cà-rem phải vất vả và lừa lọc trong mưu sinh… Tất thảy đã dựng nên một dải đất quanh năm “chớp bể mưa nguồn”, đầy nắng gió suốt duyên hải miền Trung cùng những phận người chìm nổi.
Cũng dễ dàng nhận ra “bữa tiệc” đã thiếu khá nhiều… món ngon, nếu kể đến những nhà văn đang sống từ Quảng Trị đến Bình Thuận, hy vọng sẽ được góp phần ở những tập sách tiếp theo.
LÊ TRÂM
(báo Quảng Nam)