Số hoá truyền hình: Hy vọng tiếng nói chung?

Cũng như biên soạn sách giáo khoa, cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng công khai tiêu chuẩn truyền hình số để các doanh nghiệp có thể cạnh tranh và phát triển chung quanh tiêu chuẩn cơ bản này

Các hãng truyền hình vệ tinh và truyền hình cáp cũng đang băn khoăn sau khi quy định chuẩn quốc gia cho truyền hình số mặt đất, không biết Chính phủ rồi có quy định tương tự cho truyền hình số vệ tinh, truyền hình cáp hay không

Trên thế giới, số hãng sản xuất thiết bị truyền hình số không nhiều, chỉ tập trung quanh vài đại gia. Việt Nam cũng như các quốc gia trong khu vực lần lượt công bố lộ trình từ biệt truyền hình tương tự để chuyển qua số hoá truyền hình. Các thông tin về thông số kỹ thuật được các hãng sản xuất thiết bị theo dõi sát sao. Con số hơn 100 triệu USD chi cho việc chuyển đổi thiết bị đã làm xúc động ngay cả các chuyên gia bán hàng lịch lãm. Tuy nhiên, thiết bị kỹ thuật không phải là hàng hoá bình thường mà vô cùng phức tạp. Tiêu chuẩn truyền dẫn từ DVB-T đến DVB-T2 là cả một khoảng cách dài. Cả lô lốc thiết bị sẽ trở thành sắt vụn nếu sai lệch cho số “2” đằng sau chữ DVB-T đó.

Thông tin trên báo chí về chuẩn mã hoá video “MPEG-4 AVC H.264 thế hệ 13” cũng chưa được minh bạch rộng rãi. Chỉ cần khác đi chút xíu là cả ngàn đầu thu settopbox sẽ trở thành sắt vụn trước hàng chục chỉ tiêu kỹ thuật rối rắm

“Cách ly” nhà đài và khán giả truyền hình
Như chúng tôi có phân tích, nhà đài thường có khuynh hướng bắt bên đầu thu sóng settopbox phải chạy theo mình. Bởi đầu tư phát hình rất tốn kém mà đầu tư nội dung hấp dẫn còn tốn kém hơn. Việc khán giả truyền hình có nghĩa vụ chia sẻ chi phí đầu tư đã được giới làm công nghệ giải quyết qua smart card, một loại thẻ tính tiền gắn vào đầu thu settopbox để cho phép người xem truy cập các gói chương trình.

Người tiêu dùng muốn thu được nhiều kênh truyền hình, trước hết phải có bộ settopbox hợp chuẩn để thu sóng truyền hình số mặt đất DVB-T. Tuy nhiên, họ không thể bỏ qua chương trình hấp dẫn từ các kênh vệ tinh, nghĩa là họ phải sắm thêm một bộ settopbox DVB-S để thu sóng vệ tinh. Chưa hết, hơn một triệu thuê bao truyền hình cáp chắc chắn sẽ số hoá và settopbox DVB-C sẽ phải xuất hiện trong các hộ gia đình đô thị.

Cũng chưa hết, truyền hình muốn chương trình hay thì phải trả tiền, vậy là có thêm loại settobox có thẻ Smart Card.

Trên kệ tivi sẽ xuất hiện một chồng settobox nhưng cũng chưa hết, các nhà đài vệ tinh thường không chịu chơi chung với nhau, nên rất có thể settopbox của nhà đài này thì không thu sóng của nhà đài khác. Hơn nữa, các nhà đài đều thích thú việc sản xuất và cung ứng settopbox riêng cho mình. Mỗi nhà đài lại mua bản quyền độc quyền một số chương trình khác nhau (như kênh K+ ồn ào dư luận vừa qua) nên việc dân mê truyền hình bắt buộc sưu tập bất đắc dĩ các bộ settopbox là điều khó tránh khỏi. Chỉ khổ là số lượng ngõ vào tivi rất giới hạn, chỗ đâu mà cắm quá nhiều settobox vào?

Cuối cùng, không chỉ có một chảo thu vệ tinh, bởi trong khi VTV trung thành với vệ tinh Vinasat-1 thì VTC tung hoành trên Asiasat-5, còn AVG với mong muốn độc quyền giải V-League 20 năm lại phát vệ tinh NSS-6 của SES. Mỗi hộ xem truyền hình rất có khả năng phải có ba chảo thu sóng vệ tinh.

Tuy vậy viễn cảnh mỗi nhà đài độc quyền một số kênh, nội dung hấp dẫn buộc người xem phải sắm nhiều settopbox từ mặt đất, vệ tinh, cáp, internet… sẽ khó tránh khỏi nhà đài không ngồi với nhau để có một chuẩn phát chung. Tình trạng này sẽ gây lãng phí chung cho xã hội nếu số hộ xem truyền hình lên đến hàng chục triệu hộ, mỗi hộ phải sắm vài settopbox.

Ở các nước khác, quan hệ nhà đài và khán giả tương tự như quan hệ của nhà cung cấp mạng điện thoại di động với khách hàng. Bên nhà mạng chỉ cần công bố chuẩn và tính tiền khách hàng thông qua thẻ SIM, khách hàng muốn mua điện thoại ở đâu cũng được, thậm chí hai SIM hai sóng cũng không sao.

Nhà đài ở Việt Nam cần phải quản lý khán giả truyền hình như nhà mạng điện thoại, chỉ thông qua thẻ smart card và không ép buộc họ mua nguyên khối settopbox của mình.

Thử tìm tiếng nói chung?

Nếu các đại gia truyền hình chịu ngồi lại với nhau để cùng thống nhất lộ trình và tiêu chuẩn truyền hình số trên cơ sở định chuẩn của Chính phủ, chúng ta có thể tiết kiệm rất lớn cho việc mua sắm settopbox nhưng vẫn bảo vệ quyền lợi của nhà đài.

Có thể thực hiện một loại settopbox “đa hệ” mặt đất/vệ tinh/cáp và tương thích cùng lúc với HD/SD như mô hình gợi ý.

Bộ settopbox này có khả năng tương thích nhiều hộp kênh cho truyền hình mặt đất hoặc vệ tinh hoặc cáp. Khi cần có thể gắn thêm hộp kênh hoặc gắn sẵn cả ba loại. Người tiêu dùng có thể chỉ chọn giải mã SD ban đầu, sau này phát hình HD thông dụng thì có thể nâng cấp, thay board mạch giải mã HD vào.

Sẽ rất tiết kiệm bởi sử dụng chung một bộ vỏ hộp, một bộ nguồn, màn hình hiển thị và một bộ điều khiển từ xa. Hộp settopbox đa hệ này cho phép nâng cấp, thay đổi loại hình truyền hình vệ tinh hoặc mặt đất hoặc cáp. Con số tiền tiết kiệm được sẽ rất ấn tượng nếu nhân lên với số lượng hàng triệu bộ settopbox được trang bị sắp tới.

Dự án này, thực ra chỉ thực hiện được nếu các nhà đài ngồi lại với nhau để cùng có tiếng nói chung. Vai trò của hội ngành nghề, và của quản lý nhà nước sẽ rất có ý nghĩa nếu tập hợp được các đại gia truyền thông trong nước

Lê Văn Chính
(Cố vấn kỹ thuật Soncamedia)
Theo Saigontiepthi

Bạn đang xem: Số hoá truyền hình: Hy vọng tiếng nói chung?
Bài trước Bài sau
popup

Số lượng:

Tổng tiền: